Làm thế nào để hạn chế thực phẩm thừa trong khu bếp của bạn

Ngày đăng: 21/07/2017, 09:00:00

“Waste not, want not – Không lãng phí thì không túng thiếu”. Câu nói cũ này có vẻ sáo rỗng, nhưng nó lại là sự thật. Trong một khu bếp nhà hàng, rất thường gặp những trường hợp lãng quên thực phẩm, gia vị… trong tủ lạnh hoặc kho trữ đồ. Khi chúng được lấy ra thì có thể đã quá hạn sử dụng rồi và những thực phẩm này buộc phải bỏ đi.

 Hoặc có những trường hợp bếp nhập nhiều thực phẩm cho ngày cuối tuần, nhưng lượng khách không được như mong đợi, vì vậy chúng được chuyển sang sử dụng cho ngày thứ hai.

Những thực phẩm bỏ đi này là một trong những yếu tố dẫn đến việc tăng chi phí cho nhà hàng của bạn. Trong khuôn khổ định mức ngân sách nhà hàng, yêu cầu thiết yếu đặt ra là tiết kiệm chi phí mọi lúc, mọi nơi. Việc giảm thiểu thực phẩm hỏng, thực phẩm bỏ đi trong các nhà hàng là một việc cần thiết và là một trong các phương pháp giảm chi phí hiệu quả, tránh lãng phí.

Bài viết này sẽ đề cập đến một số cách đơn giản giúp bạn hạn chế tối thiểu số lượng thực phẩm bỏ đi.

1. Chỉ mua đủ những thứ bạn cần

Bộ phận mua hàng có thể cố gắng mua nhiều hơn số lượng trong đơn đặt hàng của bạn khi có những chương trình giảm giá thực phẩm từ nhà cung cấp. Ngược lại, nếu như thực tế bạn không dùng hết chúng trước khi hết hạn sử dụng thì những thực phẩm mua thêm sẽ bị bỏ đi và thay vì tiết kiệm chi phí, nó lại trở thành việc lãng phí, tăng chi phí cho nhà hàng.

Vì thế, bạn cần có một bảng dự trù thực phẩm hợp lý. Khi quyết định tăng số lượng dự kiến để được giá tốt, bạn cần có kế hoạch sử dụng và bảo quản chúng để đảm bảo chúng được dùng hết trước khi hết hạn. Nếu có những thực phẩm ngoài thực đơn thông thường của bạn, bạn có thể đưa ra những ý tưởng để bổ sung thêm món mới và tận dụng hết những thực phẩm đang có trong kho của mình.

2. Dãn nhãn cho tất cả thực phẩm:

Việc dán tem nhãn với đầy đủ thông tin ngày nhập, ngày hết hạn của tất cả các thực phẩm, gia vị trong cả tủ mát, tủ đông cũng như kho khô là phương pháp tốt nhất để bạn kiểm soát được hạn sử dụng của chúng. Việc này không chỉ giúp bạn có thể lựa chọn sử dụng trước những thực phẩm nhập trước (phương pháp FIFO – first in, first out), kiểm soát được hạn sử dụng mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây chính là một phần của SOP (Quy trình vận hành tiêu chuẩn) trong bếp của bạn.

3. Kiểm tra tất cả các đơn đặt hàng thực phẩm:

Có thể nói rằng thực phẩm tươi sạch có ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của một nhà hàng. Đó chính là lý do tại sao việc kiểm soát cẩn thận chất lượng thực phẩm khi nhận các đơn hàng là vô cùng quan trọng. Nếu thực phẩm nhà cung cấp giao tới không đạt được mức tươi – sạch như bạn yêu cầu, hãy lập tức gửi trả hàng. Và nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì bạn nên tính đến việc tìm kiếm và lựa chọn một nhà cung cấp mới.

4. Điều chỉnh nhiệt độ khu lưu trữ rượu, bia:

Hãy nhớ rằng, mặc dù bia và rượu không phải là những thực phẩm tươi cần phải có những quy trình bảo quản nghiêm ngặt, tuy nhiên chúng cũng rất dễ bị hư hỏng. Nhiệt độ thay đổi có thể là nguyên nhân dẫn đến rượu bia bị mất chất, mùi vị nhạt nhẽo hoặc làm rượu cay hơn. Đối với các nhà hàng quy mô nhỏ, có thể rượu và bia được để ngay trong nhà bếp chứ không có kho lưu trữ riêng. Như bạn đã biết, nhiệt độ trong bếp có thể tăng cao trong thời gian bếp vận hành, điều này có ảnh hưởng rất tệ cho chất lượng của bia rượu. Bạn hãy đảm bảo rằng nhiệt độ môi trường xung quanh vẫn nằm trong mức cho phép của yêu cầu bảo quản mà nhà sản xuất bia, rượu khuyến cáo.

5. Tái chế từ các thực phẩm của ngày hôm trước:

Điều này nghe qua thì rất khó chấp nhận cho người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, bất kỳ ai làm việc trong nhà bếp cũng đều biết việc tái chế một số món ăn mới từ những thực phẩm cũ không dùng hết là một việc thường được áp dụng trong các nhà hàng vì nó giúp giảm lãng phí và chi phí. Điều này là không sai. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng các thực phẩm tái chế được bảo quản cẩn thận và vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc giảm chi phí cho nhà hàng là hoạt động mà tất cả các quản lý nhà hàng hay chủ đầu tư đều vô cùng quan tâm. Có nhiều phương pháp áp dụng trên nhiều hoạt động khác nhau và việc giảm số thực phẩm bị hư hỏng, hết hạn sử dụng do quá trình bảo quản của bếp là một hoạt động cần thiết. Để thực hiện được tốt, bạn cần có những hoạt động cụ thể từ việc lên kế hoạch thực hiện cũng như đưa ra những khẩu hiệu nhằm xây dựng ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các nhân viên của nhà hàng.

Tuy nhiên, đối với những thực phẩm, gia vị hay rượu bia đã quá hạn sử dụng hoặc không đạt yêu cầu về chất lượng, bạn đừng ngần ngại mà loại bỏ chúng đi vì sức khỏe của khách hàng và uy tín của nhà hàng là điều quan trọng nhất cần được bảo vệ.

 

Bài viết liên quan